Vải kháng khuẩn là gì?

Vải kháng khuẩn là gì? Nó được làm từ nguyên liệu gì? Tại sao lại kháng được khuẩn. Ngoài khẩu trang, vải kháng khuẩn còn được ứng dụng trong những sản phẩm gì? Đây có lẽ là câu hỏi mà nhiều người đang thắc mắc. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về loại vải đặc biệt này.

Đầu tiên, chúng ta cần định nghĩa về kháng khuẩn. Kháng khuẩn theo định nghĩa, là “sự phá hủy hoặc kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật, đặc biệt là vi sinh vật gây bệnh”. Vi sinh vật có thể bao gồm: vi khuẩn, vi rút, động vật nguyên sinh và nấm, mốc. Các sản phẩm kháng khuẩn thông thường trong các cơ sở y tế được sử dụng dưới dạng vải. Có vẻ rất lạ khi kháng khuẩn lại ở trong vải đúng không nào? Nhưng đấy chính là sự thật, nếu không có lớp bảo vệ này, nhiều sản phẩm vải sẽ bị nhiễm khuẩn và liên tục bị loại bỏ. Dưới đây là một số loại sản phẩm kháng khuẩn thường gặp:

  • Giường y tế
  • Rèm cửa y tế
  • Đồng phục: y tế, quân đội,…
  • Băng, gạc y tế

Chất kháng khuẩn được sử dụng trong vải dệt

Vải kháng khuẩn sử dụng các ion kim loại có đặc tính kháng khuẩn như: Ion Bạc, ion Kẽm và ion Đồng.

Trong những năm trở lại đây, ion Bạc đươc ứng dụng rộng rãi như một chất kháng khuẩn hiệu quả, nhất là với các vết thương. Việc sử dụng các sản phẩm kháng khuẩn có chứa ion Bạc đang trở thành xu hướng. Ngoài Bạc, các ion kim loại khác cũng được chứng minh hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Đặc biệt là các ion Kẽm và Đồng. Ưu điểm của các ion này là không độc hại với con người, có thể dễ dàng đưa vào các sản phẩm sợi có chứa các nhóm amin. Việc sử dụng sợi chitosan được xử lý bằng hợp chất Kẽm và Đồng cho kết quả tuyệt vời trong việc kháng khuẩn. Thử nghiệm kháng khuẩn nấm Candida albicans (loại nấm men thuộc họ Candida) cho kết quả sự giảm đáng kể 78,6% nếu chỉ có sợi chitosan, nhưng tăng lên tới 96,2% nếu chứa ion đồng và 97,7% nếu chứa ion kẽm.

Mẫu Vi khuẩn đếm được (cfu ml − 1) Giảm (%)
Nuôi cấy 5.4 × 103 n/a
Với sợi Chitosan 1155 78.6
Sợi Chitosan với Cu(II) 208 96.2
Sợi Chitosan với Zn(II) 123 97.7

Thành phần của vải kháng khuẩn

Vải kháng khuẩn có thể được làm từ nhiều loại vải dệt, bao gồm nhưng không giới hạn: polyester, polyester-vinyl, vinyl và thậm chí cả acrylic.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% khuẩn sau 1h tiếp xúc và giảm còn 60-70% sau một số lần giặt.

Tiêu chuẩn thử nghiệm vải kháng khuẩn.

Có rất nhiều tiêu chuẩn trên thế giới được sử dụng để thử nghiệm khả khăng kháng khuẩn của vải, có thể kể đến như:

  • BS EN ISO 20743:2007: phương pháp thử định lượng để xác định hoạt tính kháng khuẩn của các sản phẩm dệt may kháng khuẩn gồm có: vải, tấm lót, chỉ, vật liệu cho quần áo, đồ gia dụng, các loại hàng dệt khác với bất cứ chất kháng khuẩn nào được sử dụng bằng phương pháp phủ và cán màng.
  • BS EN ISO 20645:2004 Phương pháp thử định tính về khả năng kháng khuẩn của hàng dệt, bao gồm hàng dệt được tráng phủ lớp kháng khuẩn. Phương pháp này sử dụng cách thức so sánh hiệu quả kháng khuẩn bằng cách so sánh nồng độ khác nhau của cùng một sản phẩm kháng khuẩn.
  • AATCC TM100: là một trong những phương pháp thử nghiệm được sử dụng phổ biến nhất để đo hoạt tính kháng khuẩn trên sản phẩm dệt may sau xử lý hoàn tất. Phương pháp này được phát triển trong những năm 60 và được cập nhật thường xuyên, hiện nay đã được cập nhật để xác định chính xác hơn hiệu suất kháng khuẩn, có tác động đến môi trường ít hơn. Tiêu chuẩn được sửa đổi này cung cấp cho ngành công nghiệp các kết quả kiểm tra hợp lý và đồng bộ hơn.
Bài viết liên quan